23 điều bạn nên biết về Air Jordan

Jordan luôn là sự lựa chọn hàng đầu của tôi và nó nhất định phải là Air Jordan Retro chứ không phải những dòng performance đại trà đâu, có thể tôi chả khác gì những thanh niên phong trào nửa mùa khi chi ra hàng trăm USD để mua giày vì mục đích làm đầy thêm cho bộ sưu tập của mình vì nó đang hot dù rằng có thể chả bao giờ tôi đụng đến chúng.

Lí do để khiến tôi dành toàn tâm toàn ý cho những đôi Air Jordan đơn giản là vì nó mang tính “truyền thống” với lịch sử lâu đời cũng như những câu chuyện thú vị xuất hiện quanh mỗi thiết kế, mỗi phối màu của Air Jordan

Authentic Shoes sẽ cung cấp cho bạn về 23 điều cần biết nếu bạn là fan của Air Jordan

1. BỊ TỪ CHỐI BỞI ADIDAS

Michael Jordan vốn là một tín đồ 3 sọc từ thời trung học và khi vừa tốt nghiệp xong, điều MJ muốn làm nhất chính là kí hợp đồng với Adidas. Điều đáng buồn là hãng giày đến từ nước Đức này lại không thích hợp tác với một tân binh thấp bé nhẹ cân trong khi họ đã có những gã khổng lồ kiểu như Kareem Abdul-Jabbar. Thế là MJ đành ngậm ngùi đặt bút kí vào bản “hợp đồng ma quỷ” với Nike, và mọi chuyện bắt đầu từ đó.

2. SỰ XUẤT HIỆN CỦA LOGO “WINGED BASKETBALL”

Nếu như bạn là fans chân chính của Air Jordan thì logo nói trên chắc hẳn không quá xa lạ. Winged Basketball được xem như logo chính thức đầu tiên của Michael Jordan, sau đó là Jumpman, với ý tưởng về trái bóng rổ và đôi cánh dang rộng từ Peter Moore còn biệt danh “Air Jordan” là do đại diện của MJ, David Falk đặt tên với mục đích thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

3. MÀU CỦA QUỶ

Khi Nike đưa cho Michael Jordan xem bản thiết kế đầu tiên về Air Jordan 1 với phối màu đen-đỏ (sau này thường gọi là “Bred”), MJ đã nói thẳng “Tôi không mang nó đâu, đây là màu của quỷ dữ”. Bởi lẽ MJ là một Tar Heel và ông không muốn khoác lên mình màu áo đấu của NC State – đối thủ “không đội trời chung” của trường trung học ông từng chơi. Dù đó cũng là màu áo của Chicago Bulls.

4. THÀNH TỰU ĐẦU TIÊN

Phải nói rằng Nike khá liều lĩnh khi đặt trọn niềm tin cũng như phần lớn sự nghiệp của mình vào Michael Jordan khi quyết định đặt giá bán lẻ của Air Jordan 1 khi ấy là 65 USD, một mức giá cao nhất vào thời điểm ấy. Thế nhưng MJ đã không làm phụ sự kì vọng của Nike khi trở thành chàng tân binh sáng giá nhất tại NBA mùa đó. Và tất nhiên, các sản phẩm mang thương hiệu AJ nhanh chóng bốc hơi khỏi tất cả các kệ giày.

5. SỰ BIẾN MẤT CỦA SWOOSH

Kể từ Air Jordan 2 trở đi, các thiết kế giày Jordan không còn logo swoosh trên đó nữa (tất nhiên là logo Nike Air vẫn xuất hiện ở các thiết kế OGs, nhưng ý tôi là dấu swoosh to tướng trên upper như những đôi Nike khác ấy). Đây là một nước cờ mạo hiểm, nhưng lại đưa ngành thiết kế sneaker bước lên một bậc cao hơn khi mà thiết kế giày là thứ quyết định giá trị sản phẩm chứ không phải thương hiệu của nó.

6. TÍNH SANG TRỌNG

Air Jordan 2 là thiết kế Jordan duy nhất và cũng là một trong số ít các thiết kế giày bóng rổ được làm tại Ý, nếu không muốn nói là chưa từng có thiết kế nào như vậy. Chất liệu được sử dụng cũng là một điểm đáng lưu ý khi Nike sử dụng chất liệu faux lizard skin thay cho da thường.

7. BƯỚC CHUYỂN MÌNH

Với 2 thiết kế vừa nói trên thì vào thời điểm này Michael Jordan vẫn chưa thực sự “mặn mà” lắm với Nike bởi ông chưa thật sự có được điều ông muốn. Trước mắt ông lúc này là bản hợp đồng với Nike sẽ kết thúc vào năm 1988, và ông vẫn phân vân không biết có nên gia hạn tiếp hay chấm dứt hẳn. Ngay phút chót, Tinker Hatfield – lúc này chỉ mới là một nhà thiết kế trẻ tuổi vừa đạt được thành tựu đầu đời với Air Max 1 – đã thuyết phục được Michael Jordan ở lại bằng thiết kế Air Jordan 3. Tinker Hatfield đã cứu Nike khỏi một bàn thua trông thấy, và Air Jordan 3 cũng đánh dấu sự chuyển mình của Jordan với những thiết kế liên tục thay đổi đầy sự đột phá từ nay về sau.

8. ÁNH ĐÈN FLASH


Năm 1990, Air Jordan 5 ra đời đánh dấu lần đầu tiên chất liệu phản quang 3M – phản quang dưới ánh đèn flash – được sử dụng trên một đôi giày bóng rổ. Ý đồ của Tinker Hatfield khi sử dụng 3M vào lưỡi gà là để Michael Jordan trở nên nổi bật hơn khi thi đấu bởi ở các trận đấu bóng chuyên nghiệp, khi các thợ săn ảnh luôn hoạt động hết công suất.

Note: Nike Air Epic là đôi giày đầu tiên sử dụng chất liệu 3M.

9. SỰ CỐNG HIẾN

Việc chấn thương khi thi đấu là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi đã bước vào môi trường thi đấu chuyên nghiệp. Khi được hỏi liệu ông có muốn một đôi giày đặc biệt để bảo vệ vết thương ở chân thay cho đôi giày ông đang mang – Air Jordan 6 –hay không, câu trả lời của MJ khi đó là hãy cho tôi sự đau đớn” (câu nói này làm tôi thấy Michael khá hợp vai nếu 50 Shades of Grey có phần 2)

10. CHIẾN DỊCH HARE JORDAN

AJ_VII_Poster_native_1600

Vào năm 1992, Jordan phát động chiến dịch Hare Jordan để quảng bá về mối liên hệ giữa hai hãng Jordan và Warner Bros cũng như làm tiền đề cho bộ phim đình đám Space Jam được trình chiếu vào năm 1996. Chỉ một đoạn phim quảng cáo ban đầu thôi cũng đã tốn đến 1 triệu USD, làm trong 6 tháng trời với 3.000 bức vẽ tay được thực hiện bởi 25 họa sĩ.
Note: Space Jam là một bộ phim rất hay, rất nhiều giày xuất hiện trong đó.

11. GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN


Sau khi Michael Jordan quyết định nghỉ bóng rổ và chuyển sang chơi bóng chày, Tinker Hatfield được khuyên là nên bỏ Jordan và chuyển sang phát triển những mảng khác. Nhưng trong thâm tâm Tinker luôn có một tia hi vọng rằng Michael sẽ trở lại, vì định mệnh của ông là trái bóng cam cùng bảng rổ, thế nên ông tiếp tục thiết kế cho Jordan. Nếu không có sự tin tưởng thì hẳn dòng sản phẩm Jordan đã ngừng ở thiết kế Air Jordan 8 mất rồi.

12. SỰ BẤT ĐỒNG

Michael Jordan không hài lòng với thiết kế AJ 10 khi Tinker đưa cho ông xem bản mẫu, đơn giản là vì Tinker không hỏi ý kiến Michael khi thiết kế như với những sản phẩm trước. Điều Michael không hài lòng là phần da phụ được thêm ở mũi giày và ngay lập tức ông bảo Tinker rằng tôi không thích và anh cần phải sửa nó ngay”.

13. NHỮNG Ý TƯỞNG KÌ QUẶC


Có một điều thú vị về Tinker Hatfield mà ai cũng nên biết, đó là ông thường lấy ý tưởng thiết kế từ những nơi không tưởng. Ví dụ như Air Max được lấy cảm hứng từ kiến trúc George-Pompidou Centre, Air Jordan 5 cảm hứng từ máy bay chiến đấu, Air Jordan 7 cảm hứng từ một bức tranh liên quan đến văn hóa Châu Phi. Thế nên sẽ không lạ nếu tôi nói rằng Air Jordan 11 được Tinker lấy cảm hứng từ chiếc máy cắt cỏ chứ?

14. CƠN SỐT TOÀN CẦU

Bước vào giai đoạn playoffs năm 1995 của Bulls, Tinker đã “bật mí” cho Michael về thiết kế 11s “Concord” với mục đích thăm dò xem ông nghĩ gì về thiết kế thứ 11 sắp ra mắt. Hơn cả sự mong đợi của Tinker, Michael như phát cuồng lên và ngay lập tức ông liên hệ Nike và bảo rằng ông muốn có một bản sample cho mùa giải tới. Sức nóng của Air Jordan 11 “Concord” càng tăng lên gấp bội khi Michael xuất hiện trên TV với đôi giày trên tay. Mùa thu năm ấy, một sự hỗn loạn không bút mực nào có thể tả nổi đã diễn ra ở các cửa hàng chỉ vì một đôi giày bóng rổ.

15. SỰ TIÊN ĐOÁN



Trước khi Air Jordan 11 được đặt lên kệ, Michael đã hiểu rõ khả năng kết hợp giữa da bóng và âu phục sẽ tuyệt vời đến thế nào. Một thời gian không lâu sau đó, giới sneakerheads bàn tán về việc nhóm Boyz II Men lên sân khấu với 11s “Concord” dưới chân. Chưa dừng ở đó, đến bây giờ vẫn có những chú rể cuồng giày mang 11s “Concord” thay cho giày da khi khóa môi cô dâu tại lễ đường.

16. HÃNG JORDAN RA ĐỜI

Air Jordan 13 xuất hiện dưới thương hiệu Jordan chứ không còn là Nike hay gì nữa. Đây là điều mà rất nhiều người đã mong muốn từ rất lâu. Như chúng ta có thể thấy, giờ đây, hãng Jordan phát triển ngày càng lớn mạnh và lấn sân sang rất nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ là một dòng giày signature như trước nữa.

17. TRẬN ĐẤU CUỐI Ở CHICAGO BULLS

Năm 1998 là khoảng thời gian cuối cùng mà Michael chơi tại Chicago Bulls. Ngày 8 tháng 3 năm đó tại nhà thi đấu Madison Square Garden, Michael với màu áo Chicago Bulls đã đánh trận cuối với New York Knicks. Thay vì những đôi Jordan mới ra mắt, ông quyết định mang lại đôi Jordan 1 ngày trước của mình. Trong suốt những năm thi đấu, chân ông tăng thêm 1 size nhưng điều đó không thể ngăn Michael lập một thành tích đáng nể với 47 điểm được ghi, 8 rebounds, 6 assists, 3 steals và dĩ nhiên là các vết thương ở chân do mang giày chật.

18. BỨC TƯỢNG ĐỒNG

Hiện nay trước tòa nhà United Center ở Chicago có đặt một bức tượng Michael Jordan trong tư thế Jumpman. Air Jordan 9 là thiết kế giày được chọn để đúc cùng bức tượng đó, với lí do đế của AJ9 mang đầy đủ những điều ý nghĩa mà Michael muốn truyền tải đến với mọi người. Bên cạnh đó AJ9 cũng là thiết kế giày duy nhất mà Michael chưa bao giờ mang lên sân cùng đội Chicago Bulls, phải chăng điều này làm nó khác biệt hơn so với các thiết kế khác?

19. GIÁ BÁN LẺ ĐẠT MỨC 200 USD

19

Dòng sản phẩm Air Jordan vốn đã tạo nên rất nhiều điều “đầu tiên” trong lịch sử giày bóng rổ, đặc biệt là giá bán lẻ khi liên tục tăng với những con số mà ít hãng nào dám đặt ra. Air Jordan 17 được phát hành với một đôi giày, một chiếc đĩa, một cuốn sách hướng dẫn bỏ túi và một chiếc vali kim loại để đựng mọi thứ. Với bao nhiêu thứ như thế thì cũng đủ để Jordan đặt giá bán lẻ của bộ sản phẩm này là 200 USD. Điều đáng ngạc nhiên là chẳng mấy ai phàn nàn về giá đó cả, dù 200 USD vào những năm đầu thế kỉ 21 là rất đáng kể, trong khi các sản phẩm Remaster vừa rồi chỉ thêm có vài chục USD và nhận được cơ số ý kiến trái chiều.

20. VỊ VUA SỢ RẮN

Mãi cho đến Air Jordan 19 thì hãng mới có thể tiến hành tiếp dự án được ấp ủ bấy lâu, đó là một thiết kế được lấy cảm hứng từ da rắn bởi Michael rất sợ rắn. Nghe có vẻ hài hước nhưng AJ19 sở hữu công nghệ sợi dệt khá kì lạ khi mà đôi giày không cần dây vẫn có thể ôm sát chân cầu thủ nhưng không hề gây ra bất kì sự khó chịu nào.

21. THÔNG ĐIỆP BÍ MẬT

Chắc hẳn chẳng ai quan tâm đến những mẫu giày sau này của Jordan đâu nhỉ, vì chắc các bạn cũng như tôi khi cảm thấy những mẫu giày ấy như dành cho người sao hoả vậy. Tuy nhiên với thành viên số 21 này, Jordan muốn gửi cho chúng ta một lời nhắn và chỉ có thể thấy khi chiếu tia cực tím lên nó.
Tôi thì chưa bao giờ có dịp chạm vào bất kì một đôi 21 nào cả, nhưng ảnh về nó thì có. Và đây là nội dung age for it shall be within the four stage journey of the air jordan xxi that the code shall be revealed to those who seek the jordan code in your honor have we hidden this mess”

22. MỘT LẦN NỮA THAY ĐỔI CUỘC CHƠI

Kể từ sau sự xuât hiện của Air Jordan 15, Tinker Hatfield ít quan tâm hơn đến các sản phẩm của Jordan và thay vào đó là đội ngũ thiết kế của hãng. Cho đến thiết kế thứ 23, Tinker mới quay trở lại và làm nhiều hơn với sản phẩm này. Air Jordan 23 là một sản phẩm kiểu mẫu cho các thiết kế giày performance hiện nay với những tính năng và ứng dụng hỗ trợ cầu thủ rất cao. Có thể nói AJ 23 đã định hình cho các sản phẩm performance xuất hiện sau đó.

23. TẠI SAO LẠI LUÔN LÀ THỨ BẢY?


Có bao giờ bạn thắc mắc là các sản phẩm Air Jordan thường được phát hành vào thứ 7 hay không? Ví dụ điển hình là 11s “Concord” nói trên. Lí do là vì đó là ngày mà học sinh được nghỉ và dù có phải đến trường đi chăng nữa, vẫn sẽ có học sinh nghỉ học để camp giày. Nói đến đây hẳn sẽ có người giật mình, nhưng sự thật là vậy. Nhất là càng về sau Jordan càng phát hành nhiều hơn vào những ngày thường trong tuần.