Dior – câu chuyện thương hiệu khởi nguồn của Haute Couture

Dior, cái tên có lẽ được các tín đồ hâm mộ thời trang đều biết tới và yêu mến, hiện nay là một trong những thương hiệu thành công và lớn nhất thế giới. Với bề dày lịch sử hơn 70 năm, câu chuyện về sự tiên phong trong haute couture và trở thành trụ cột trong nền công nghiệp thời trang cao cấp của fashion house nước Pháp đã đi vào huyền thoại. Thế câu chuyện về Dior là như thế nào? Cùng Authentic Shoes tìm hiểu ngay nha!

Thuở sơ khai và tầm nhìn của Christian Dior

Christian Dior sinh vào ngày 21 tháng 1 năm 1905 tại thị trấn Granville, nước Pháp. Năm 5 tuổi, ông cùng gia đình chuyển tới Paris và sớm bộc lộ sở thích của mình với những thứ lấp lánh, đẹp đẽ và hoa lá. Vì vậy, ông dần định hình được con đường bản thân muốn hướng tới là hội họa, nghệ thuật và chịu ảnh hưởng rất lớn từ các họa sĩ nổi tiếng như Jean Cocteau, Salvador Dali. Nhận được sự ủng hộ từ cha, Christian mở một triển lãm hội họa với 2 người bạn và nhanh chóng thu hút được nhiều sự chú ý.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 như một cú sốc khi ông không những phải đóng cửa triển lãm vì thiếu hụt kinh tế mà còn phải chịu tang người mẹ và em trai. Sự nghiệp của gia đình ông cũng từ đó mà tụt dốc và bắt buộc phải bán tất cả mọi thứ để mưu sinh. Rất nhanh chóng, một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã phải chịu cảnh không nhà không cửa và chấp nhận cuộc sống vô gia cư của mình.

Có thể bạn không biết chứ nhà thiết kế lỗi lạc này là một con nghiện “tâm linh”, ông thường lui tới với ‘tarot’ trước mỗi quyết định của mình – từ thời trang đến kinh doanh. Nói không ngoa rằng ông đã biết trước sự tình. Một nguồn tin cho biết, bà đồng đã từng nói với ông rằng “Anh sẽ phải chịu cảnh nghèo khổ trong một thời gian, nhưng phụ nữ sẽ thèm muốn ông trong suốt cuộc đời mình.” (Christian Dior là một người đồng tính nhưng phụ nữ vẫn thèm muốn thương hiệu và các thiết kế dưới tên của ông).

Sau một thời gian cật lực làm việc và đi nghĩa vụ quân sự vào năm 1940, Christian Dior giải ngũ vào năm 1942 và được nhận vào làm nhà thiết kế của một nhãn thời trang nước Pháp. Ông học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong thời gian thiết kế các bộ váy và trang phục cho vợ của viên chức Phát Xít Đức và quý tộc Pháp. Không những thế, nhờ vào sự tiếp xúc trực tiếp với thời trang thời thế chiến, ông đã nhận ra nhiều thứ có thể cải thiện và đổi mới ngành công nghiệp này.

Cuối năm 1946: Với sự giúp đỡ của ông trùm cotton, Marcel Boussac, nhà thiết kế thành lập thương hiệu Christian Dior tại Paris.

Năm 1947: Ông cho ra lò bộ sưu tập đầu tiên của mình với 90 thiết kế khác nhau. Với hình hài đồng hồ cát làm tâm điểm trong các thiết kế (hạn chế phần hông, nhấn mạnh vòng ngực) đã mở ra một chương mới trong ngành, khiến thủ đô của thời trang thế giới – vốn dĩ trung tâm của mọi sự dèm pha, nhưng phải tôn thờ ông.

Tuy nhiên, nhà thiết kế cũng nhận nhiều sự chỉ trích bởi việc “lãng phí” vải khi những thiết kế của ông đòi hỏi một lượng vải rất lớn để tạo ra. Sự chỉ trích này đến từ phần lớn dư luận, những người đã phải sống dưới ách đô hộ của phát xít và chịu cảnh thiếu thốn tột cùng. Những điều này là hoàn toàn trong tính toán của Christian Dior vì ông muốn đồ của ông là biểu tượng cho sự giàu sang, xa hoa.

Trong cùng năm, Dior vươn lên tới vị trí “đỉnh cao” mà chưa có nhà mốt nào trước đó chạm đến được, mặc dù thương hiệu của ông chưa đầy một tuổi. Từ người nổi tiếng tới hoàng gia, ai ai cũng mong muốn sở hữu riêng cho mình một thiết kế từ nhà thiết kế người Pháp vĩ đại này. Ông đã ra quyết định mở rộng thêm một cửa hàng tại New York và mở rộng thêm nhánh nước hoa.

Cuối những năm 1940: Không ai có thể sánh vai với Christian Dior khi công ty của ông độc chiếm 75% sản lượng thời trang xuất khẩu của Paris và 5% tổng sản lượng xuất khẩu của nước Pháp.

Năm 1955: Dior gặp và thu nhận một thanh niên trẻ mang tên Yves Saint Laurent làm dưới trướng của mình. Năm 1957: ông tuyên bố rằng chàng thanh niên này sẽ kế nghiệp mình trong tương lai sau khi qua đời, một lời thông báo “vô lý” đối với mọi người vì ai cũng cho rằng ông còn rất trẻ và khỏe mạnh. Nhưng nào ai ngờ, ông đột ngột qua đời vì đau tim trong chuyến đi tới Ý.

Kế nhiệm và sự mở rộng tầm nhìn của các thế hệ sau:

Năm 1957: Sau khi kế nhiệm người thầy của mình, nhà thiết kế 21 tuổi Yves Saint Laurent tiếp tục gìn giữ phong cách, chất liệu cũng như hình hài vốn có của Dior. Tuy nhiên, thiết kế của YSL có phần nhẹ nhàng và thoải mái hơn khi mặc. Liên tiếp gặp thành công, ông dần trở nên phá cách hơn cho đến khi bộ sưu tập 1960 với phong cách Bohemian, ảnh hưởng từ văn hóa Hippie, ông bị chỉ trích nặng nề từ dư luận cổ hủ của Pháp. Và cũng không bất ngờ khi bộ phận quản lý của Dior cũng cảm thấy phong cách của thương hiệu đang bị đe dọa bởi sự sáng tạo từ YSL.

Năm 1960: Khi nhà thiết kế người Pháp bị bắt buộc vào nghĩa vụ quân sự, ban quản lý Dior đã “phản bội” ông và tuyên bố người kế nhiệm tiếp theo là Marc Bohan. Sự việc thời điểm ấy đã gây một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận và sau đó một năm, thương hiệu Yves Saint Laurent được thành lập.

Trong những năm 1960 đến 1980: Ông Marc Bohan sau khi kế nhiệm đã tiếp tục sứ mệnh gìn giữ truyền thống thiết kế của Dior với các phong cách bảo thủ nhưng vẫn sang trọng và quý phái. Một lần nữa, như một cú tát đối với Yves Saint Laurent, khi báo chí tung hô ông Bohan là “người giải cứu thương hiệu”. Năm 1967, trợ lý của ông, Philippe Guibourgé cho ra bộ sưu tập ready-to-wear đầu tiên của Pháp mang tên “Miss Dior”.

Đầu những năm 1980: Một nhân vật rất đỗi quen thuộc trong làng thời trang cao cấp, Bernard Arnault với biệt tài của mình đã thành công trong việc mua dứt tập đoàn của ông Boussac (nhà đầu tư đầu tiên của Dior) và bán tất cả mọi thứ trừ Dior. Sau đó, ông tiếp tục thu phục tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) và vào năm 2017, công ty Christian Dior chính thức hoàn toàn xác nhập vào tập đoàn.

Năm 1989: Ông Bohan quyết định rời khỏi Dior, Gianfranco Ferré được Bernard Arnault chọn làm giám đốc sáng tạo mới của thương hiệu – người ngoại quốc đầu tiên tiếp nhận vị trí này. Nhà thiết kế người Ý quyết định vạch ra một hướng đi mới cho Dior, giới thiệu những phong cách mới với đường nét lãng mạn và nữ tính.

Năm 1990: Việc kinh doanh của Dior đạt được thêm cột mốc mới khi mở thêm nhiều cửa hàng tại New York, Los Angeles và Tokyo. Doanh thu của công ty cũng tăng từ 129.3 triệu USD tới 177 triệu USD trong vòng 5 năm.

Năm 1995: Không những đạt được thành tựu trong kinh doanh, về mặt hình ảnh, thương hiệu nhận được rất nhiều sự quan tâm khi thiết kế chiếc túi “Lady Dior” dành cho Công nương Diana, Vương Phi xứ Wales của Vương Quốc Anh. Rất nhanh chóng, trong vòng 2 năm đã có hơn hai trăm nghìn mẫu túi được bán và góp phần tăng doanh thu vượt bậc trong mặt hàng đồ da của Dior.

“Christian Dior” thứ 2 xuất hiện:

Năm 1997: Gianfranco Ferré được kế nhiệm bởi John Galliano, dưới sự ảnh hưởng của Anna Wintour, tổng biên tập tạp chí Vogue. Ngoài việc xuất thân là người Anh, John được ví như là “Monsieur Dior” (ngài Dior) thứ 2 bởi không chỉ từ lúc vô gia cư trong lúc khởi nghiệp mà còn từ phong cách thiết kế, sáng tạo được pha trộn bởi sự lãng mạn, nữ quyền và hiện đại.

Năm 2000: Galliano sau khi nắm quyền đã không ngần ngại tung ra bộ sưu tập năm 2000 gây tranh cãi cực mạnh trong cộng đồng thời trang mang tên “Homeless” lấy cảm hứng từ dân vô gia cư Paris. Tất cả các thiết kế đều được làm từ giấy báo, trang sức tự chế từ dụng cụ ăn uống và các chai whiskey mini. Trong cùng năm, nhà thiết kế gây tranh cãi đã chuyển hướng phong cách của Dior sang tính chất “porn chic” (khiêu dâm và sang trọng) giống như Gucci thời của Tom Ford. Tuy nhiên, tính chất ấy chỉ được thể hiện nhiều qua các chiến dịch quảng cáo thay vì trong thiết kế.

Hedi Slimane được bổ nhiệm trong cùng năm làm nhà thiết kế chính của Dior Homme, nhánh menswear của công ty. Ông đã góp phần “phục hồi” mảng này với phong cách hiện đại và nam tính. Với sự đổi mới ấy, Dior Homme nhận được nhiều sự quan tâm hơn khi các thiết kế được diện bởi Brad Pitt và Mick Jagger.

Năm 2011: John Galliano một lần nữa gây sự tranh cãi và ồn ào dư luận vì những phát ngôn chống Do Thái của mình. Dưới sức ép, Dior bắt buộc phải sa thải nhà thiết kế người Anh và bổ nhiệm Bill Gaytten làm người thay thế. Tuy nhiên, Bill cũng gặp rất nhiều khó khăn và không nhận được nhiều sự ủng hộ khiến ông phải rời công ty vào đầu năm sau.

Sự đổi mới:

Năm 2012: Raf Simons, nhà thiết kế lỗi lạc người Bỉ, trở thành giám đốc sáng tạo của thương hiệu nước Pháp. Phong cách tối giản, tinh xảo, sang trọng và mới mẻ của ông đã thổi hồn vào các thiết kế trên sàn catwalk. Không những gánh vác trách nhiệm giúp Dior vực dậy sau sự kiện John Galliano và vì chưa có kinh nghiệm về haute couture, ông còn phải liên tục học hỏi. Raf Simons hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của mình với bộ sưu tập Fall/Winter 2012 được coi là “thời trang mới” của công ty.

Năm 2016: Maria Grazia Chiuri thay thế Slimane trở thành NTK nữ quyền đầu tiên của thương hiệu nước Pháp. Với chiến lược nhấn mạnh vào phong cách nữ tính vốn có từ những năm 1950, bà thêm thắt những yếu tố thời thượng để phù hợp với hiện đại. Ngoài ra, những BST của bà được cho thêm vài chất nam tính, pha trộn giữa sự elegance và edginess nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Maria Grazia Chiuri tiếp tục làm người giữ lửa cho Dior trong womenswear cùng với Kim Jones trong menswear cho tới ngày nay, liên tục đạt được nhiều thành tựu mới.

Thời trang phải đi theo thời đại, thương hiệu đến từ nước Pháp này bất chấp những giai đoạn lên xuống trong kinh doanh nhưng vẫn tiếp tục hớp hồn công chúng bởi những thiết kế đột phá, mang tính cách mạng và cực kì sáng tạo. Và với khởi nguồn là một chàng trai trẻ yêu cái đẹp đến từ nghệ thuật và hội họa, Monsieur Christian Dior đã gầy dựng lên một thương hiệu có tầm ảnh hưởng làng thời trang cao cấp nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Có thể nói sự thay đổi nào cùng cần thời gian để thích ứng và Dior tuy đã mở ra thời đại hoàn toàn mới cho đế chế Haute Couture thì những điều không phù hợp vẫn bị đào thải. Cùng với đó, theo thời gian phát triển ở phần cao nhất của thế giới thời trang ta càng chứng kiến nhiều đại diện hơn như Chanel, Prada, Louis Vuitton, Gucci,… Không còn là vị trí độc tôn nhưng những đóng góp của kẻ đứng đầu vẫn là thứ gì đó không thể phủ nhận đểt tạo được nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp thời trang phát triển mạnh mẽ như bây giờ. 

Bên cạnh đó, đừng quên tham khảo: Gucci – thương hiệu Luxury dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam