Mánh khóe làm giàu từ việc bán giày hiếm giá cao

Trong tình hình dịch bệnh, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thời trang cũng giảm sút. Tuy vậy, Joe Hebert (19 tuổi) lại chất đầy xe tải bằng với những đôi giày sneakers. Lô hàng có tổng trị giá lên đến 200.000 USD.

Chàng trai này đã bỏ học đại học để theo đuổi nghề “mua đi bán lại” những đôi sneakers được ưa chuộng. Có thời điểm, anh kiếm được 600.000 USD/tháng nhờ công việc trên.

Joe Hebert biết đến cơ hội kiếm tiền từ việc này khi nhận ra chiếc áo Supreme của mình có thể bán lại với giá gấp 2-3 lần giá gốc. Khi ấy, anh đang học cấp 3.

Nghề mua đi bán lại

Ngày 30/7/2020, Joe Hebert thức dậy từ rất sớm lái xe tới nhà kho anh thuê tại Eugene, Oregon, Mỹ. Anh đến đây nhận đợt hàng quan trọng, đó là 600 đôi giày Yeezy Boost 350 Zyon.

12 ngày trước, adidas đã ra mắt thiết kế này trên trang web chính thức. Chúng được bán hết chỉ trong vài giờ, khách hàng không dễ mua được mẫu giày ấy với giá lên kệ. Thời điểm đó, một đôi Yeezy Boost 350 Zyon có thể mang đến cho các “dân buôn” mức lợi nhuận là 100 USD.

Theo Bloomberg, adidas chỉ sản xuất 40.000 đôi giày cho mỗi phiên bản Yeezy. Hãng đưa ra giá bán là 220 USD/đôi. Chúng được bán ra theo hình thức xổ số trực tuyến. Mọi người dựa vào sự may mắn để có cơ hội mua giày.

Khó mua là vậy nhưng câu nói của Hebert khiến nhiều người phải bất ngờ: “Mẫu giày này khá dễ nhập. Nó cũng bán rất chạy nữa”.

Tại sao Joe Hebert lại nói “dễ dàng” trong khi hãng chỉ phát hành số lượng ít giày so với nhu cầu mua lớn?

Trong ngày đôi Yeezy được phát hành, Hebert dậy từ 3h sáng. Cậu đăng nhập vào tài khoản Discord của mình và bắt đầu trò chuyện cùng 15 người khác trong “nhóm làm ăn”.

Họ sử dụng những phần mềm gian lận (hay còn gọi là bot) như Cybersole, Kodai hay GaneshBot – thứ từ lâu đã bị cộng đồng yêu sneakers lên án – để dành được cơ hội mua giày. Mỗi lần như vậy, Joe Hebert có thể kiếm được 20.000 USD tiền lãi.

“Tôi sẽ tham gia mua bất cứ đôi giày nào có tiềm năng mang lại lợi nhuận”, chàng trai khẳng định.

Một trong những thương vụ lớn nhất của Joe Hebert là khi anh nghe ngóng được tin một người đàn ông tìm thấy 4 đôi Nike Air Mag trong nhà kho cũ và có ý định bán lại.

Chàng trai nhanh chóng tìm người đó và thương lượng mua 4 đôi giày với giá 22.000 USD. Không lâu sau, anh bán lại chúng, thu về 42.000 USD.

Tuy vậy, phóng viên Bloomberg tình cờ nhận ra điểm bất thường trong hoạt động kinh doanh của Joe Hebert. Họ điều tra ra số điện thoại và số tài khoản ngân hàng chàng trai sử dụng để buôn bán giày được đăng ký dưới tên Ann Hebert.

Trùng hợp, Ann Hebert lại là tên của một nhân viên đã làm việc 25 năm tại Nike. Ngoài ra, bà cũng nắm giữ chức vụ phó chủ tịch và giám đốc kinh doanh khu vực Bắc Mỹ.

Điều này dấy lên nghi vấn nhân viên cấp cao của Nike tuồn giày ra ngoài cho con trai bán lại với giá cao. Hiện nay, bà Ann Hebert cũng từ chức.

Trào lưu đầu cơ giày sneakers

Kinh doanh giày sneakers hiếm không còn là nghề xa lạ. Nghề này nở rộ vào năm 1985 khi Nike phát hành thiết kế Air Jordan 1. Những đôi giày ấy nhanh chóng trở thành một phần văn hóa đường phố.

Do một số nhà bán lẻ bắt đầu bán giày với giá cao hơn giá hãng niêm yết, Nike quyết định giảm số lượng sản phẩm bán ra thị trường. Một năm sau đó, thương hiệu chỉ phát hành Air Jordan 2 tại 30 cửa hàng trên 19 thành phố và tăng 40 USD so với giá cũ.

Air Jordan 3 ra đời, đánh dấu sự xuất hiện của biểu tượng “Jumpman”. Loạt giày Air Jordan nổi tiếng đến mức Nike phát hành lại vô số lần nhưng chưa bao giờ đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng.

Điển hình là thiết kế Dior x Air Jordan 1, chỉ sản xuất giới hạn 8.500 đôi. Chúng đòi hỏi phải là dân chơi hàng hiệu thứ thiệt, có mối quan hệ rộng trong giới kinh doanh giày mới có thể sở hữu được. Những đôi sneakers như vậy có thể đem đến khoản lợi nhuận hơn 10.000 USD.

Như vậy, hàng thực tế vẫn còn nhưng đều rơi vào tay các “dân buôn”. Bên cạnh việc bán cho khách lẻ, họ còn bán lại số lượng lớn với mức giá chiết khấu cho những người kinh doanh giày khác.

Góc tối khi mua giày

Sử dụng bot (chương trình tự động hóa việc mua giày) để gian lận là hành vi bị nhiều “đầu giày” lên án. Người bình thường không thể đua tốc độ với bot. Vì thế, việc mua một đôi giày bán ra số lượng giới hạn với giá hãng đưa ra trở nên rất khó khăn. Nhiều mẫu sneakers như Air Jordan 1, Yeezy được bán hết sạch chỉ trong vài phút ngắn ngủi.

Các thương hiệu thời trang cũng không có thiện cảm với khách hàng dùng bot. Theo Glossy, họ không được nhìn nhận như khách hàng trung thành mà chỉ đơn giản là “kền kền” tìm mọi cách mua được số lượng giày lớn và bán lại giá cao. Nike cũng từng hủy phát hành giày vì có quá nhiều bot tham gia mua.

Chris Bossola – nhà sáng lập Need Supply Co. – cho hay: “Một người mua 40% số lượng sản phẩm chỉ để bán lại sẽ mang đến trải nghiệm không vui vẻ cho những người khác. Họ cũng không phải khách hàng đáng tin cậy, không mang lại giá trị dài lâu”.

Bên cạnh đó, Alex Kabbara – nhà đồng sáng lập một chương trình bot – lại có suy nghĩ khác. Anh chia sẻ việc mua một đôi giày đình đám với giá lên kệ gần như là không thể. Ngoài ra, bạn cũng khó tìm được giá ưng ý khi mua từ các dân buôn.

“Đa số dân buôn đều có nguồn hàng từ cửa sau của Nike hoặc các chuỗi bán lẻ. Điều này thật không công bằng. Tại sao không tạo cơ hội cho những người yêu giày khác?”, anh nói.

Theo đó, chương trình bot không miễn phí. Nó được bán với giá khoảng 300 USD.

Tuy vậy, một số hãng lớn như Nike hay adidas đã tuyên bố sẽ hủy các đơn hàng được đặt bằng bot. Họ thay đổi cách mua hàng bằng hình thức xổ số may mắn.

“Chúng tôi xây dựng hệ thống phức tạp để loại bỏ bot. Hình thức xổ số cũng được áp dụng trong việc mua giày. Người may mắn sẽ nhận mail thông báo trúng cơ hội mua giày”, Wil Whitney – quản lý một nhà bán lẻ sneakers – nói.

Dù vậy, các nhà phát triển bot vẫn tích cực cải tiến công nghệ của mình. Nhu cầu sử dụng bot cũng không sụt giảm.

Theo: Zing News

Xem thêm: 

This entry was posted in News and tagged .