Chấp nhận mua hàng Local Brand với giá cắt cổ, liệu có đáng?

Vào những năm gần đây, ta có thể thấy sự bùng nổ vượt bậc của trào lưu Local Brand. Từ những năm 2017 ở Việt Nam bắt đầu đánh dấu một mốc quan trọng trong ngành thời trang, từ những cái tên như Clownz, 5THEWAY, Degrey,… được đông đảo bạn trẻ yêu thích và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua cho mình những món đồ từ thương hiệu đó. Hầu hết ở thời điểm trước, local brands Việt chủ yếu là phong cách streetwear, cá tính và các đồ unisex nên cả nam lẫn nữ đều có thể tự tin diện. Vậy có đáng để chúng ta bỏ một ngân sách lớn để ủng hộ local brand? Sau đây Authentic Shoes sẽ cho bạn biết với giá tưởng chừng như của Global Brands, ta có nên ủng hộ ngành công nghiệp thời trang nước nhà không nhé.

Bản quyền

Ăn cắp chất xám

Một đặc điểm rõ nhất để thấy đây là sản phẩm local brand chính là tag “Made in VietNam”. Xét về mặt pháp lý, những doanh nghiệp tự phát này đã được đăng ký bản quyền trí tuệ và bản quyền thương hiệu. Tuy nhiên, khoảng 1-2 năm trở lại đây hầu như cái “bản quyền trí tuệ” đang ngày càng bị coi nhẹ, và có thể là không tồn tại trong thị trường Việt nữa khi một số thương hiệu trẻ tuổi gặp phải nghi vấn lấy ảnh trên Pinterest in lên áo nhưng vẫn bán với giá cắt cổ. Điều này làm người tiêu dùng trẻ đang băn khoăn và hoang mang khi mua đồ local.

Vấn đề còn gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều hơn đó là các thương hiệu local brand đạo nhái ý tưởng của các global brands và cả tự đạo nhái cả lẫn nhau.. Việc các thương hiệu copy ý tưởng trên mạng xã hội và của lẫn nhau khiến các sản phẩm mất dần đi giá trị và sự “hiếm” của nó.

Hơn nữa một sản phẩm không quá chỉn chu về mặt hình ảnh và ý tưởng nhưng lại vẫn có phân khúc giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm bình dân chưa đăng ký lên thành local brand, như vậy có thật sự hợp lý? Hiện tại ngày càng nhiều local brand mở ra và không phải thương hiệu nào cũng làm ăn chân chính như thế hệ đầu.

Điển hình vào tháng 5 năm 2022 đã xảy ra vụ kiện lớn của Dear José Việt Nam khi họ vừa cho ra mắt Bộ sưu tập hè phong cách trẻ trung, năng động nhưng cũng nữ tính không kém. Trong BST mới, đáng chú ý nhất là hãng có cho ra mắt một chiếc chân váy màu xanh dương có kiểu dáng xếp ly. Thật vô tình khi thương hiệu Christina Blum cũng nhanh chóng nhận được thông tin hình ảnh sản phẩm và đã chỉ ra điểm tương đồng giữa chiếc váy của Dear José và chiếc váy Kassidy Skirt của mình.

Tuy chủ nhân của ý tưởng váy xếp li này muốn nhắn tin làm việc một cách hết sức thiện chí để chỉ ra lỗi sai của local brand nhưng Danny- founder của Dear José vẫn khăng khăng rằng đó là ý tưởng của mình, thương hiệu không mượn cảm hứng của ai cả. Do vậy nên đoạn tin nhắn đã bị Christina Blum phát tán trên mạng.

“Mượn ý tưởng” một cách phù hợp

Và sẽ không ai lên án việc học hỏi, mượn ý tưởng cả nếu như những thương hiệu đi sau biết vận dụng chúng một cách đúng đắn và tự biến ý tưởng đó thành của riêng mình. Ví dụ như logo Nike với HNBMG, thay vì bị cộng đồng mạng chỉ trích về việc lấy cảm hứng từ thương hiệu sneaker nổi tiếng, họ đón nhận và có nhiều lời khen dành cho thương hiệu. Ở đây, logo BHM của Nike và HNBMG đều có đồ họa lồng ghép vào nhau, tuy nhiên HNBMG không chỉ sắp xếp chồng lên nhau mà lại có mối liên kết giữa các ký tự, tạo điểm nhấn và sự hài hòa.

Hãy cùng xét đến họa tiết monogram của DVRK và Dior, chữ “ior” trong hoạ tiết Dior Oblique được sắp xếp chồng lên theo một hàng quanh chữ D còn DVRK thay vì xếp chồng lên như thương hiệu luxury kia, NTK đã dàn hàng 4 ký tự không xếp lên nhau. Điểm chung cả DVRK và Dior đều có bốn chữ và có ký tự giống nhau là D và R, nên không tránh khỏi tình trạng gây nhầm lẫn khi mới chỉ nhìn qua.

Chất lượng

Khi nói đến chất lượng của các sản phẩm đến từ local brand, chắc hẳn chúng ta cũng biết được rằng sẽ không thể so sánh được với global brand. Vì hầu hết local brand là những thương hiệu mới chưa có kinh nghiệm dày dặn, khâu sản xuất và kiểm định còn chưa hoàn chỉnh dẫn đến nhiều sản phẩm dễ mắc những lỗi trên áo, quần như thừa chỉ, thừa vải, may ẩu, chất liệu in chưa được đảm bảo… Còn trên những mẫu giày thì hay bị bong keo, đế cứng và lệch size.

Nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của các thương hiệu trẻ này, khi họ ngày càng trau chuốt các quy trình sản xuất. Vào thời điểm 3 năm trước, các sản phẩm vẫn mắc những lỗi chi tiết nhỏ như chất lượng quần áo dễ bị phai màu, chỉ thừa xuất hiện khá nhiều và đôi khi chất liệu còn dễ rách hay sờn.

Nhưng nhìn vào thời điểm năm 2022 này, khi các thương hiệu đã có cho mình một chặng đường đủ dài thì họ đã khắc phục rất nhanh và tốt các nhược điểm đó. Vậy nên đối với chi phí 300k-500k cho một chiếc áo hoặc quần có tuổi thọ tính bằng năm, theo Authentic Shoes là xứng đáng. 

Hiện tượng “Độn giá”

Tiếp đến chính là hiện tượng “độn giá”. Nhiều thương hiệu mặc dù chất liệu không hề đảm bảo, thiết kế cũng chả có gì nổi bật mà chỉ là đi mượn idea nhưng vẫn để giá cao ngất ngưởng, không tương đồng với chất lượng sản phẩm. Dù không phải thương hiệu nào cũng làm ăn vô tâm như vậy nhưng nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường local brand.

Ngày nay có rất nhiều thương hiệu nội địa Việt mở ra và không phải brand nào cũng xứng đáng để người tiêu dùng bỏ tiền mua. Đứng trước sự bùng nổ của xu hướng local brand, người tiêu dùng cần phải cân nhắc về giá cả, chất lượng sản phẩm, chất lượng về ý tưởng brand và chất lượng phục vụ khi trải nghiệm mua sắm tại đó.
Mục nhập này đã được đăng trong News và được gắn thẻ , .