Sneakerhead là gì và liệu bạn có đang nhầm tưởng về nó?

Danh xưng sneakerhead hẳn không còn quá xa lạ với bất cứ chúng ta. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn ám ảnh với danh xưng này để rồi chạy theo những cái bóng xa vời với hàng loạt đôi giày được mua trong cùng thời điểm. Liệu rằng sneakerhead – những kẻ đội giày lên đầu liệu có phải chỉ đơn giản như thế và trong xã hội hiện tại khi những định nghĩa đã chẳng còn rõ ràng thì lối ra nào cho những sneakerhead thực sự?

Sneakerhead là gì?

 

Sneakerhead là một cụm từ được kết hợp từ hai từ “sneaker” và “head” với ẩn nghĩa từ hình ảnh hình tượng ám chỉ việc chúng ta quá yêu quý  thiết kế mà thậm chí đội giày lên đầu. Nó khá giống với câu nói trêu đùa trong văn nói của người Việt là “Đội vợ lên đầu trường sinh bất lão”. 

Tuy nhiên, rõ ràng nó mang ý nghĩa sâu xa hơn thế. Có thể hiểu một cách đơn giản biệt danh này ám chỉ những người rất yêu thích giày. Thậm chí đôi khi là ám ảnh về nó. 

Theo quan điểm cá nhân của bản thân thì sneakerhead còn hơn thế. Không chỉ được đánh giá về mặt kiến thức, số lượng sở hữu mà phần lớn ở thái độ đối với bất kể một thiết kế nào họ được may mắn trải nghiệm. 

Sẽ không hiếm lạ khi ta bắt gặp một chàng trai nào đó mân mê một đôi giày như một điều gì đó vô cùng quý giá đối với anh ta. Tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ thậm chí là dùng tay, dùng mắt quan sát từng li từng tí mỗi một chi tiết của đôi giày. Thưởng thức, so sánh rồi đưa ra quan điểm cá nhân về nó và thậm chí đến khi về rồi vẫn ám ảnh đến cả giấc mơ vì quá yêu thích. 

Nó không đơn thuần là một điều gì đó được xem như mơ ước cả đời, đó là sự yêu thích đối với một nền văn hoá tuyệt vời. Họ trân trọng mọi đôi giày được tạo ra và thưởng thức nó bằng tất cả niềm đam mê của mình. Với họ giày như trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nó như hơi thở mỗi ngày nếu không có cảm tưởng như mình không còn là mình nữa. 

Chúng tôi nhớ đến kỳ lạ mùi của những đôi giày mới còn thơm nguyên mùi keo, chúng tôi cũng đầy trân trọng những nếp nhăn hay những vết bẩn trên một đôi giày đã cũ. Và càng yêu quý hơn những câu chuyện đầy ý nghĩa không chỉ phía sau những thiết kế mà còn cả những giá trị tuyệt vời khi chúng đã thực sự trở thành bạn đồng hành với cuộc sống của chủ nhân. 

Sneakerhead trong xã hội hiện tại

 

Dù rất được trân trọng ở vài thập kỷ trước với những collector đình đám yêu giày đến điên cuồng thì ở thời điểm hiện tại dường như những giá trị này đã mai một đi ít nhiều. Khi mà ta đã quá đầy đủ về vật chất thì việc mong muốn có được danh tiếng lại trở thành một nhu cầu thiết yếu. Chính vì lý do này xu hướng ra đời. 

Liệu rằng ta có còn xa lạ hình ảnh những cô cậu rich kid bỏ ra cả chục triệu đồng để sở hữu một thiết kế đơn giản chỉ để lấy le với bạn bè. Hay đâu đó là hiện tượng cho rằng người có rất nhiều giày là một sneakerhead chính hiệu? Đáng buồn thay những thiết kế đó đã được mua thật và ít nhiều thực hiện được mục đích căn bản nhất đó là để đi; tuy vậy chẳng ai hiểu giá trị thật sự của nó cả. 

Chúng tôi vẫn thấy những đau đớn đến đầy ám ảnh của những thiết kế nằm trên kệ kia giữa muôn ngàn những đôi giày khác trong bộ sưu tập triệu đô. Đó là lý do kiến thức là một phần vô cùng quan trọng tạo nên một sneakerhead chính hiệu. Đến hiểu về những điều mà mình có và muốn có ta còn vô trách nhiệm thì với chính bản thân mình liệu ta có phần nào đó thực sự quan tâm?

Cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho giới trẻ hiện tại bởi chính những thương hiệu cũng đang chiều hư khách hàng của mình. Minh chứng điển hình đó là Yeezy với thành công vào thời điểm đầu đã kỳ vọng trở thành đối thủ xứng tầm của Air Jordan thì điều mà Kanye West và adidas đang làm ở thời điểm hiện tại dường như chính là một sai lầm. Phát hành hàng loạt Yeezy thậm chí là những đôi Yeezy với số lượng không giới hạn khiến mức giá resell tụt thảm hại trong vài năm trở lại đây như cái cách mà danh tiếng của chúng rơi xuống vậy. 

Chưa nói vội đến định hướng sai lệch của một thương hiệu nhưng điều ta có thể nhận ra chính là việc chạy theo xu hướng đang thực sự ảnh hưởng đến tư duy của những người đứng đầu. Những bản collab vô hồn liên tục được ra mắt thậm chí là điên cuồng phát hành. Chỉ trong một năm ta chứng kiến đến cả ngàn phối màu được ra mắt trên cùng một thiết kế huyền thoại. Dường như ta đang thấy sự “vắt kiệt” để phục vụ cho nhu cầu thể hiện của một bộ phận khách hàng. Không cần quan tâm phối màu đó ra sao, có ý nghĩa như thế nào nhưng nó vẫn là một đôi Air Jordan thế thì mua thôi. Người người nhà nhà đi Yeezy giờ đây là Air Jordan. 

Ta có còn thấy những sneakerhead đời đầu với sự trân trọng đến từng thiết kế của mỗi nhãn hàng. Những đôi giày Retro Runner thậm chí một thời gian dài không hề được quan tâm đến từ chính khách hàng cũng như nhãn hàng sản xuất. Những đứa con đã chết và kêu gào trong sự tuyệt vọng vì chúng dường như đã bị từ bỏ, từ bỏ bởi chính những người đã từng yêu chúng đến điên cuồng và thậm chí chính những người đã tạo ra chúng. 

Khái niệm này nó đã xa rời đến lạ lùng và dường như trở thành một điều gì đó vô cùng mờ nhạt giữa thế giới vốn đầy màu sắc mà cũng lạnh lùng này. Dẫu vậy, ta cũng không thể phủ nhận vẫn còn rất nhiều những sneakerhead chân chính ở ngoài kia vẫn hàng ngày hàng giờ chăm chỉ cống hiến cho cộng đồng này. Bài viết này chỉ mong muốn có thể gửi đến các bạn quan điểm riêng của Authentic Shoes về giày nói chung và danh từ “sneakerhead” nói riêng. Và chúng tôi cũng tin rằng thời gian sẽ luôn đem lại câu trả lời chân thật nhất như cách mà lịch sử đã luôn làm.

Bên cạnh đó, đừng quên tham khảo: Nike Air Max 95 – Lập trường làm nên sự vĩ đại