Midsole – Cuộc chiến công nghệ không có hồi kết giữa các ông lớn trong ngành công nghiệp sneaker

Khi mà người dùng dần trở nên thờ ơ với các sản phẩm sneaker do những nét tương đồng quá lớn về thiết kế và chiến lược marketing thì đột phá về công nghệ, đặc biệt là ở bộ đệm (midsole) sẽ tăng lợi thế cạnh tranh cho các thương hiệu sportswear hiện nay. Hiện nay, nếu hỏi lý do khiến bạn yêu mến một thương hiệu nào đó, ví dụ như Nike, adidas, Puma hay New Balance, câu trả lời của bạn là gì? Ngoài các mẫu sản phẩm huyền thoại đối với từng tên tuổi, phải công nhận rằng những gì mà các ông lớn trong ngành Sportswear hiện nay đang mang lại cho chúng ta không có sự khác biệt quá lớn về mặt thiết kế. Vì thế, những đột phá về công nghệ, đặc biệt là với bộ đệm midsole thật sự sẽ mang lại lợi thế nổi bật trong mắt người dùng.

Chính vì lý do đó, hôm nay, hãy cùng Authentic Shoes điểm qua các công nghệ midsole tân tiến nhất hiện nay trên một vài thương hiệu để xem cục diện của cuộc chiến hiện nay giữa các ông lớn và phân tích xem tiềm năng phát triển về công nghệ cho từng thương hiệu là như thế nào nhé.

Nike React

Là công nghệ mới nhất được Nike giới thiệu cách đây hơn một năm, Nike React có tất cả những gì cần thiết để được vinh danh là bộ đệm thoải mái nhất hiện nay của “the swoosh”. Với React, Nike đã giải quyết được vấn đế rất lớn: hình tượng hóa độ êm mà công nghệ này mang lại. Với hình ảnh so sánh Nike React như sự kết hợp của gối, mút xốp và lò xo, khách hàng dù chưa tin lắm, nhưng dĩ nhiên cảm giác được nó sẽ rất êm, ít nhất là muốn trải nghiệm xem midsole này sẽ như thế nào.

Và sự thật thì Nike React đã làm tốt so với mong đợi của chúng ta. Về cơ bản, công nghẹ này là sự cải tiến của Lunarlon với cấu tạo từ foam nhưng dĩ nhiên ẩn chứa nhiều bí ẩn giúp nó êm ái hơn. Lần đầu tiên, có một công ty sở hữu sản phẩm được xem là ngang hàng với adidas BOOST. Khi trải nghiệm sản phẩm, công nghệ midsole này nhận được nhiều phản hồi tích cực về độ phản hồi và độ mềm khi onfeet. Chính điều này mang lại cảm giác thoải mái khi sử dụng, đặc biệt là với các sản phẩm giày chạy bộ.

Tuy nhiên, một điều tưởng chừng không có hại gì, nhưng sẽ khiến Nike React vào thế bất lợi, chính là việc “the swoosh” hiện đang sở hữu quá nhiều các công nghệ bộ đệm tốt, bao gồm có Air Max, Zoom Air, Zoom… Và khi Air Max vẫn đang là một huyền thoại, Zoom làm tốt ở phân khúc trung bình thấp và Zoom Air rất xuất sắc thì vị trí của React tại Nike vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Nó giống với quy tắc Ngôi Sao, Con Bò, Con Chó và Dấu Chấm Hỏi khi bạn đánh giá một chiến dịch marketing và vẫn không thể nhận ra sản phẩm của bạn đang nằm ở phân khúc nào: liệu nó sẽ là Ngôi sao (cần đầu tư để mang lại cực nhiều lợi nhuận), con bò (không thể phát triển được nữa nhưng vẫn được ưa chuộng và mang lại lợi nhuận) hay con chó (không thể mang lại lợi nhuận và phải được loại bỏ). Chính vì thế, tương lai của Nike React vẫn còn rất mơ hồ.

Xem thêm: Lộ diện phối màu Black-Pink mới trên đôi giày bóng rổ Adidas Dame 6

Adidas Printed 4D

Được giới thiệu lần đầu tiên tiên adidas Futurecraft 4D, công nghệ in 4D được adidas mua lại từ Carbon, sau đó đầu tư và phát triển tới thời điểm hiện nay. Nhờ thành công vang dội của BOOST mà nhà ba sọc có nhiều thời gian để phát triển công nghệ in 4D trên midsole này và thậm chí là thương mại hóa nó rộng rãi, khi mà những thương hiệu khác đang loay hoay đuổi kịp BOOST.

“Với công nghệ Digital Light Synthesis, chúng tôi có thể vượt qua những giới hạn của quá khứ, mở ra một kỷ nguyên mới trong thiết kế và sản xuất” Eric Liedlke – thành viên ban điều hành của Hội đồng Quản trị adidas chịu trách nhiệm về nhãn hàng quốc tế nói. “Một khi có những thông tin từ số liệu ghi nhận từ các hoạt động của các vận động viên, kết hợp thêm với những công nghệ hiện nay adidas đang sở hữu, chúng tôi có thể thỏa sức sáng tạo với nhiều sản phẩm rất ấn tượng như những gì bạn có thể thấy đây”.

Để miêu tả kỹ hơn về chất liệu cũng như cấu trúc dùng cho Futurecraft 4D: đôi giày sở hữu phần đệm có nền tảng là chất lỏng được tổng hợp từ ánh sáng để tạo ra hình dạng, sau đó sử dụng nhiệt độ cao để tạo nên hình vững chắc. Sau rất nhiều lần thử cũng thì Carbon đã phát triển được vật liệu đàn hồi và cực kì cứng cáp cho Futurecraft 4D – điều mà adidas chờ đợi.

Hiện nay, công nghệ in 4D đã có mặt trên một số lượng kha khá các sản phẩm như adidas Futurecraft 4D x Daniel Arsham, adidas’s New ZX 4000 4D,  adidas AlphaEdge 4D… Chắc chắn với đà này, việc sở hữu một sản phẩm có công nghệ in 4D trong tương lai sẽ không còn xa vời nữa. Và vậy là adidas sẽ lại bỏ xa những đối thủ của mình. Về mặt cơ cấu nội bộ, dù không sở hữu nhiều siêu sao như Nike, nhưng Adidas có một kế hoạch rõ ràng cho các sản sản phẩm của mình. Cả Bounce BOOST đều đã được nghiên cứu, phát triển đến mức ổn định và dần trở thành một công nghệ kiếm lời cho Adidas. Nhờ đó, thương hiệu đến từ Đức có thể tập trung gần như hoàn toàn cho việc phát triển Digital Light Synthesis và công nghệ in 4D. Mặc dù công nghệ 4D cho đến bây giờ vẫn chưa thành công như mong muốn của Adidas, nhưng cũng không thể phủ nhận adidas đã “đi trước một bước” so với các đối thủ, và việc cần làm hiện nay là tiếp tục phát huy những gì mà gã khổng lồ người Đức đang làm tốt.

Xem thêm: adidas công bố đầu tư 120 triệu đô cho cộng đồng người da đen

Các thương hiệu còn lại

Đối với các thương hiệu còn lại, quả thật là hơi bất công khi gộp chung tất cả những hãng giày còn lại vào một mục. Tuy nhiên, lý do đơn giản nhất là do các thương này đang không có gì quá nổi bật. Nhóm đầu tiên được nhắc đến là các thương hiệu chuyên về chạy bộ như Karhu, New Balance, Asics, Salomon và Saucony.

Những sản phẩm này có tốt không, có, thậm chí rất tốt. Hãy thử một lần xỏ chân và chạy trên những sản phẩm của Brooks hay Salomon, bạn sẽ vô cùng bất ngờ đấy. Nó rất êm ái và có tính đàn hồi cao. Bộ đệm Gel-Lyte của Asics cũng không phải dạng thường. Và Fresh Foam của New Balance đã từng được cho là người kế nhiệm tuyệt vời của BOOST. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Các thương hiệu này gặp khó khăn trong việc thứ nhất: quảng bá sản phẩm mình một cách rộng rãi trên toàn thế giới, phát triển công nghệ ra rộng rãi trên nhiều dạng sản phẩm (ngoài giày chạy bộ) và thứ ba, chúng phần nào có nét tương tự với những gì đang có chung trên thị trường, đặc biệt khi so sánh với những công nghệ thật sự nổi trội lên như Air Max (không khí ở trong midsole) hay BOOST (êm như xốp). Chính vì thế, thật khó để cho rằng những công nghệ trên Brooks, New Balance, Salomon… nằm chung mâm với Nike và Adidas.

Nhóm thứ hai được nhắc đến, là nhóm đang cố gắng làm theo những gì Nike và Adidas đang làm, bao gồm có Puma – Puma Ignite, Reebok – FloatRide Racer, Under Amour – HOVR. Những gì các hãng này đang làm có phần tương tự về cấu trúc, hoặc thậm chí tương tự về cả thiết kế với Air Max và BOOST. Thậm chí Peak còn cho ra mắt một sản phẩm với midsole in 3D trên Peak DH4, nhưng dĩ nhiên là chúng hoặc có giá quá cao, hoặc không đủ đặc sắc để trở nên nổi bật.

midsole-cuoc-chien-cong-nghe-khong-co-hoi-ket-giua-cac-ong-lon-trong-nganh-cong-nghiep-sneaker

Và mọi chuyện vẫn cứ diễn ra như vậy đó, cuộc chiến midsole đang gần như là một cuộc chiến về mặt công nghệ giữa hai ông lớn Nike và Adidas. Cả hai đều đã và đang đạt được thành công cho riêng mình. Nike sở hữu một đội hình đẹp gồm Air Max, React, Zoom; nhưng đang hơi già cỗi và thiếu cải tiến. Adidas có BOUNCE, BOOST và siêu sao 4D mặc dù đang không đem lại được kết quả tốt. Cục diện tương lai ra sao, chúng ta cần phải đợi để biết chính xác. 

Xem thêm:

Những mẫu giày chạy tốt nhất của Nike 2020

Nike Cortez đã đưa Nike trở thành thương hiệu toàn cầu như thế nào ?